Trường THPT Phú Xuyên A tiền thân từ trường cấp II, III Phú Xuyên đến nay vừa tròn 50 năm tuổi Năm mươi năm với lịch sử không phải là thời gian dài nhưng với mái trường ở một vùng quê lại là cả một chặng đường gian khó, phấn đấu hết mình để xây dựng và trưởng thành.
Trường THPT Phú Xuyên A tiền thân từ trường cấp II, III Phú Xuyên đến nay vừa tròn 50 năm tuổi Năm mươi năm với lịch sử không phải là thời gian dài nhưng với mái trường ở một vùng quê lại là cả một chặng đường gian khó, phấn đấu hết mình để xây dựng và trưởng thành.
Ngôi trường mới hôm nay bề thế khang trang, toạ lạc ven đường quốc lộ 1A. Những dãy nhà cao tầng ẩn mình dưới tán cây cổ thụ như những vầng mây xanh dịu mát. Thời gian như dòng chảy cứ trôi đi không ngừng, không nghỉ nhưng mãi còn đọng lại dấu ấn chẳng thể nào quên.
Mùa thu năm 1957, ba năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại trên miền Bắc, buổi lễ khai giảng trường cấp II Phú Xuyên được tổ chức tại ngôi đình làng cổ kính của thôn Mỹ Lâm (xã Liên Hoà nay là Thị trấn Phú Xuyên). Thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Năng Kỷ quê ở Trâu Quỳ- Gia Lâm- Hà Nội. Thầy còn nhớ như in những ngày đầu tạo dựng trường. Lớp học chưa có, nơi ở và làm việc của các thầy đều nhờ cả trong dân. Học trò đi học chân đất, áo manh. Thầy trò cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong sự đùm bọc, quý mến của nhân dân xã Liên Hoà. Từ 4 lớp học ban đầu với 10 thầy cô giáo, sau 5 năm (1957- 1962) nhà trường đã đào tạo hàng trăm học sinh tốt nghiệp cấp II. Được rèn luyện trong khó khăn, thiếu thốn và sự dạy bảo ân cần của các thầy cô như thầy Nguyễn Hưng Trà, cô Phạm Thanh Tú, cô Trịnh Thị Oanh, các anh chị vững vàng, tự tin bước vào cuộc sống, trưởng thành tiêu biểu như các anh phi công Lâm Hồng, tiến sĩ Nguyễn Minh Công, giám đốc Trần Hùng Nông, …. Ngôi trường chính là mảnh đất đầu tiên ươm mầm cho tài năng của các thế hệ học sinh Phú Xuyên.
Năm học 1962- 1963 nhà trường bắt đầu tuyển sinh lớp 8, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của con em nhân dân trong vùng. Thế hệ học sinh cấp III được đào tạo đầu tiên ở Phú Xuyên cũng từ mái trường nằo Năm học 1964- 1965 trường tách khối cấp II mang tên trường cấp III Phú Xuyên. Từ đó đến nay, thấm thoắt đã 45 năm. Qua 43 kỳ thi đã có hơn 20650 học sinh đỗ tốt nghiệp Đó là nguồn nhân lực - vốn quý nhất của quê hương Phú Xuyên cống hiến cho đất nuớc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 3000 "chàng trai Cầu Giẽ" tạm xếp bút nghiên ra tiền tuyến. Buổi tiễn đưa tân binh nhập ngũ, thầy hiệu trưởng Đoàn Hoà đã căn dặn, tiếp thêm lửa nhiệt tình cho lớp thanh niên "Ba sẵn sàng" thuở ấo Đó là những năm tháng không thể nào quên. Khói lửa chiến tranh đã tôi luyện bản lĩnh người lính, xứng danh những anh hùng, dũng sĩ. Tên tuổi anh hùng Nguyễn Đức Soát, Phạm Văn Cán là niềm tự hào của nhà trường, của quê hương. Sự khốc liệt của chiến tranh cũng hiện hữu. Nhiều anh chị từ mặt trận trở về không còn lành lặn, gần 300 liệt sĩ là học sinh của trường. Các anh đã vĩnh viễn ra đi đem lại sự bình yên cho cuộc sống hôm nay. Những người ở lại hậu phương lớn cũng ra sức thi đua học tập, lao động với tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".
Đất nước thống nhất, những người lính năm xưa trở lại học đường tiếp tục công việc còn dang dở hoặc trực tiếp lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc. Dưới mái trường bình yên, thầy trò nhà trường tập trung vào tổ chức và nâng cao các hoạt động giáo dục toàn diện nhất là hoạt động Dạy và học. Về chất lượng văn hoá: nhiều năm trường có học sinh giỏi quốc gia, số học sinh giỏi hàng năm tăng rõ rệt Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên 20%. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp được các em hăng hái tham gia: hát hay, múa giỏi, thể thao mạnh. Những sân chơi bổ ích, lý thú đã thu hút tuổi trẻ học đường giúp các em tự tin, vững vàng hơn trong tương lai. Lớp học sinh hôm nay nỗ lực vươn lên như Vũ Thanh Nga, Trần Đức Mạnh, Nguyễn Thuý Hà, Phạm Thị Lan, Nguyễn Đại Thắng, Hán Thị Thuỷ Hồng, Nguyễn Việt Hoàng … xứng đáng với thế hệ cha anh những học trò đầy tài năng như anh Kim Quốc Hoa, anh Phạm Văn Khảo, chị Dương Thị Minh, anh Nguyễn Thanh Thuỷ, anh Đào Tiến Dũng…. Lớp lớp học sinh của nhà trường đã trưởng thành, không ngừng sáng tạo vốn trí thức làm đẹp giàu cho quê hương đất nước. Đã có hơn 2500 người có trình độ đại học, hàng trăm người đạt trình độ trên đại học.
Sự thành đạt của các thế hệ học sinh gắn liền với tâm huyết, công sức của các thầy cô giáo. Trong tâm khảm của mình, mỗi học sinh luôn trân trọng lưu giữ những kỷ niệm tốt đẹp về thầy cô, về mái trường, nghĩa tình không nói được thành lời. Đó là phần thưởng cao quý nhất đối với mỗi người thầy, những chiến sĩ vô danh, ngày lại ngày cần mẫn chở con đò trí thức tới bến tương lai.
Nửa thế kỷ qua, với những cống hiến không mệt mỏi của thầy và trò, trường đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý:
- Huân chương lao động Hạng Ba
- Bằng khen của thủ tướng Chính phủ
- Bằng khen của UB thể dục thể thao
- Đoàn trường được TW Đoàn TNCSHCM tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi
- Nhiều năm liên tục nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc của ngành. Hàng trăm lượt thầy cô giáo được công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua
Tiếp nối truyền thống của cha anh, thầy trò trường THPT Phú Xuyên A đã và đang vượt lên chính mình. Thử thách trên mặt trận giáo dục không kém phần khắc nghiệt khi cuộc vận động Hai không với bốn nội dung của ngành được toàn xã hội quan tâm. Năm học 2008- 2009, kết quả giáo dục của nhà trường đã tạo được niềm tin với nhân dân và các bậc cha mẹ học sinh: tỷ lệ tốt nghiệp 89%, tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng khoảng 30%, trong đó có nhiều học sinh đạt điểm cao, trường đứng thứ 87 trong top 200 trường THPT toàn quốc có thí sinh đạt từ 27điểm trở lên . Những băn khoăn, trăn trở cùng tự tin, hy vọng đồng hành.
Năm học 2009 - 2010 đánh dấu chặn đường một phần hai thế kỷ xây dựng và trưởng thành của mái trường Phú Xuyên A thân yêu đang hứa hẹn mùa quả ngọt tràn đầy.
Nguyễn Thị Sớm